Thời gian qua, đọc những thông tin về doanh nghiệp cho công nhân giảm giờ làm hoặc nghỉ việc vì không có đơn hàng mà cảm thấy quá ngậm ngùi. Nhiều người xa gia đình, người thân để đi làm, hàng tháng dành dụm gửi về cho con ăn học, cuối năm mua cho con vài bộ quần áo mới, vài hộp bánh mứt cho gia đình đã là một niềm hạnh phúc. Thế nhưng phải rơi vào cảnh đột ngột dừng công việc khiến một số người cảm thấy bấp bênh, tất tả đi tìm việc mới nhưng không nơi nào nhận, nghĩ cái Tết đang đến gần mà trong lòng không khỏi lo lắng xót xa.
Có thể nhận thấy nhiều công nhận rơi vào tình trạng khó kiếm việc làm mà cũng không thể về quê lúc Tết Nguyên đán đang đến gần khi bất ngờ nhận thông báo cho nghỉ việc từ công ty.
Đọc những hoàn cảnh khó khăn khi bị mất việc trên VNE mà không khỏi ngậm ngùi cho những công nhân này. Chị Nguyễn Thu Hương rơi vào hoàn cảnh bị cho nghỉ việc trong vòng một tháng khiến chị cảm thấy bần thần, không biết ngày mai sẽ đi kiếm việc ở đâu.
Chị Hương đã ba năm làm công nhân may nhưng bị cho nghỉ một tháng trước do công ty hết đơn hàng, thiếu việc. Vẫn độc thân, lại ở quê với bố mẹ nên khoản trợ cấp mất việc ba tháng lương giúp chị Hương không quá áp lực về mặt tài chính từ nay đến Tết. Điều chị lo nhất là ánh mắt lo lắng của bố mẹ. “Ngày trước mỗi dịp Tết nghe hỏi ‘lương tháng bao nhiêu’ đã mệt mỏi, nay nghe hỏi thêm ‘tìm được việc chưa cháu’ còn đáng sợ hơn”, chị chia sẻ.


Nhiều công nhân phải gói ghém bữa ăn hàng ngày trong thời gian khó khăn – Ảnh: VNE
Ngay sau hôm bị cho nghỉ việc, chị Hương chạy khắp các công ty, khu công nghiệp hy vọng tìm được việc làm mới. Sau 2 tuần cật lực tìm kiếm, chị được nhận vào một một doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, làm cùng một vị trí, cách nhà 15 km. Đã có ba năm tay nghề nên chị bắt nhịp được ngay với công việc, không cần đào tạo lại. Nhưng vừa làm được một tuần, công ty này cũng lại hết đơn hàng, cắt giảm lao động. Những người mới vào như chị Hương đương nhiên nằm trong danh sách cắt giảm.
“Từ nay đến Tết mà không có việc, gặp ai chắc cũng bị nói cho nhức đầu”, chị Hương nói và quyết định ngày mai lại xách xe ra đường đi kiếm việc. “Bí quá thì ở đâu nhận lao động thời vụ hay bưng bê gì cũng phải làm”, chị thở dài.
Cảm giác gần như bế tắc khi đi kiếm việc cuối năm của Thu Hương cũng giống như của chị Lý Thị Thal (32 tuổi, quê Sóc Trăng), công nhân một công ty may mặc ở quận 12, TP.HCM. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở TP.HCM năm trước, khó khăn tứ phía nhưng công ty vẫn trụ được. Khi cuộc sống trở lại bình thường doanh nghiệp lại rơi vào cảnh lao đao, còn chị vừa mất việc hồi cuối tháng 10, “nhanh đến mức không kịp trở tay”.

Nhiều công nhân gặp khó khi đột ngột mất việc trước Tết – Ảnh: VNE
Ngày 21/11, thay vì đến công ty may như thói quen 5 năm qua, chị Thal đi bộ quanh các nhà máy gần khu trọ tìm việc. Đã vài lần chị thấy vui trong lòng khi nhìn thấy thông báo dán ở cổng các doanh nghiệp, nhưng lập tức chưng hửng vì biết đó không phải tin tuyển lao động. “Giờ người ta chỉ thông báo cho nghỉ chứ mấy công ty tuyển”, Thal biết thế nhưng gần tháng nay vẫn cứ đi tìm.
Chồng chị Thal làm phụ hồ ở Long An, thu nhập chỉ đủ dùng trong gia đình, ở quê chị còn hai đứa con đang tuổi đến trường. Lương lúc công việc ổn định được 6 triệu đồng, tính cả tăng ca được thêm khoảng hai triệu. “Mỗi tháng tôi gửi hai triệu cho con, một triệu cho ba mẹ, ba triệu để đóng tiền trọ và ăn uống, còn tiết kiệm”, chị vừa cầm trái bắp luộc lên, vừa ăn vừa kể.
Chưa biết tìm việc nơi đâu, vài bữa đầu chị còn cơm rau tử tế, sau chỉ dám mua mì gói với bắp luộc về đổi bữa. Chị sợ nếu thất nghiệp kéo dài, chị không có tiền nuôi con ăn học. Tết lại đang cận kề, chị vẫn muốn các con có quần áo mới và các bữa cơm tươm tất trong những ngày đầu năm.
“Bữa có thông báo cho nghỉ tôi khóc hai đêm liền. Đến giờ tôi chưa dám gọi cho ba mẹ báo tin”, Thal nói.

Người lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm – Ảnh: VNE
Hơn một tuần qua, ngày nào người phụ nữ quê Sóc Trăng cũng đi bộ quanh khu để tìm việc vì không biết đi xe máy. Chị bảo, nếu có chỗ tuyển nhưng xa hơn, chị cũng chẳng biết cách nào để đi làm. Lên mạng đầy rẫy tin tuyển dụng, nhưng Thal sợ không đáng tin cậy.
Có thể nhận thấy chị Lý Thị Thal và Thu Hương là hai trong số hàng trăm nghìn lao động chủ yếu là công nhân thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ… bị cho nghỉ việc trong vài tháng qua do thiếu đơn hàng, các thị trường xuất khẩu chủ lực chưa hồi phục.
Theo số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến tháng 11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng.

Những công nhân vốn là trụ cột gia đình bỗng dưng bị cho nghỉ việc khiến cuộc sống trở nên khó khăn, không có tiền gửi về gia đình mà còn hàng trăm nỗi lo khi Tết đang đến gần, tất bật đi tìm việc mà không có nơi nào nhận, cảm thấy quá xót xa. Mong rằng trong thời gian cuối năm, các doanh nghiệp sẽ có đơn hàng ổn định, chăm lo trọn vẹn đời sống công nhân để người lao động được đón một cái Tết đầm ấm bên người thân, gia đình.
Nguồn: https://www.webtretho.com